Cơ hội nghề nghiệp của Kỹ sư công nghệ thông tin nói chung và Lập trình viên nói riêng
Nếu bạn đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, chọn trường để học và có mong muốn trở thành một lập trình viên trong tương lai với thu nhập trăm tỷ hay ít hơn trăm tỷ một chút cũng được – thì hãy thử tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp của Kỹ sư Công nghệ thông tin (CNTT) hay của Lập trình viên – xem bạn có phù hợp để đeo đuổi không nhé.
Kỹ sư CNTT hay lập trình viên làm gì? làm như thế nào để có thể kiếm nhiều tiền như vậy? Bản thân Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh – Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) cũng liên tục nhận được các câu hỏi tìm hiểu về nghề này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh sẽ chia sẻ những thông tin giúp các bạn trẻ hiểu hơn về vấn đề này và những gì để một lập trình viên hay một kỹ sư CNTT cần có trước khi thực sự bước vào lĩnh vực này và sống chết với nó.
1. Nhu cầu nhân sự ngành kỹ sư công nghệ thông tin hay lập trình viên như thế nào?
Đây là một câu hỏi mà tôi thường được phụ huynh và học sinh hỏi vì lo lắng sau khi học xong sẽ thất nghiệp hoặc không có việc làm phù hợp.
Ngành này vốn rất “hot” từ hơn 10 năm trước, nhưng gần đây nhiều người lại ngạc nhiên khi biết chỉ “viết app” mà đã có thu nhập hàng trăm tỷ mỗi năm. Tôi xin khẳng định nhu cầu việc làm trong lĩnh vực này rất lớn, đặc biệt khi xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ ban hành thì nhu cầu lại càng tăng cao.
Hiện nay nguồn nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình viên nói riêng tại Việt Nam đang khan hiếm, cầu lớn hơn cung. Các công ty thuộc lĩnh vực CNTT tại TPHCM luôn trong tình trạng thiếu nhân lực và thường xuyên tìm kiếm, tuyển các lập trình viên hoặc kỹ sư CNTT.
2. Người học ngành kỹ sư công nghệ thông tin nói chung hay lập trình viên cần có những tố chất gì?
Với cương vị là một giảng viên đang giảng dạy trong lĩnh vực này, tôi nghĩ ngành này đòi hỏi người học cần có kiến thức tốt nền tảng về Toán và tư duy logic. Đây là đòi hỏi đầu tiên và tôi nghĩ là quan trọng nhất với những sinh viên muốn theo ngành CNTT.
Các em cần có tư duy logic, có tinh thần tự học và cộng thêm ý chí quyết tâm đi đến cùng khi làm việc. Suốt quá trình học là việc các em phải đi tìm những lời giải cho nhiều bài toàn khác nhau, chính vì vậy, nếu thiếu kiên nhẫn và quyết tâm thì sẽ khó có thể theo được với ngành này.
Bên cạnh đó, tiếng Anh cũng là một lợi thế rất lớn trong học tập và cả trong công việc sau khi ra trường vì các ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ máy tính đều xuất phát từ tiếng Anh. Hơn nữa môi trường làm việc trong lĩnh vực CNTT là không có biên giới, nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là vô cùng thuận lợi cho các bạn.
3. Để trở thành kỹ sư công nghệ thông tin hay một lập trình viên có nhất thiết phải học đại học?
Có nhiều con đường để trở thành kỹ sư CNTT hay lập trình viên và lựa chọn phổ biến hiện nay là theo học tại các trường cao đẳng, đại học.
Các trường đại học thường CNTT chia ra nhiều chuyên ngành nhỏ như:
- Khoa học máy tính (làm về trí tuệ nhân tạo, học máy…).
- Công nghệ phần mềm (học về cách làm phần mềm PC, đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp, xây dựng Mobile-app hay Web-app…).
- Kỹ thuật máy tính (liên quan đến thiết bị phần cứng, thiết kế bo mạch, chip, hệ thống điều khiển tự động, robotic…).
- Hệ thống thông tin (xây dựng hệ thống thông tin cho các tổ chức, công ty, doanh nghiệp).
- Khoa học Dữ liệu (xây dựng triển khai hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích đánh giá dữ liệu, Big Data…).
- Mạng máy tính & truyền thông (triển khai phân tích thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống mạng máy tính).
- An ninh mạng (làm về an toàn hệ thống mạng máy tính, bảo mật thông tin…).
Nhìn chung, mỗi chuyên ngành nhỏ trong lĩnh vực CNTT sẽ có những đặc điểm riêng để phục vụ cho công việc khác nhau. Các bạn muốn sau này mình làm chính mảng nào thì có thể chọn học ngành đó để phù hợp với sở nguyện của bản thân.
Ngoài các trường đại học đào tạo bài bản, chính quy thì nếu bạn có đam mê có thể theo học các chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc thậm chí tự học để theo ngành nghề bạn yêu thích.
4. Những kiến thức quan trọng khi học ngành kỹ sư công nghệ thông tin hay lập trình viên?
Những kiến thức được ưu tiên khi học ngành này sẽ là những môn tự nhiên như Toán, tư duy Logic và tiếng Anh – đây là một trong những điều kiện cần để giúp bạn tồn tại trong lĩnh vực này. Ngoài ra, một số nhóm kỹ năng khác cũng quan trọng không kém như:
– Kỹ năng mềm: lập trình là xây dựng và triển khai giải thuật, các phương pháp để giải quyết các vấn đề bằng máy tính chứ không chỉ đơn thuần có viết code. Khi khách hàng gặp vấn đề trong việc quản lý nhân viên, bạn cần viết một phần mềm giúp họ. Khi khách hàng cần quảng bá sản phẩm thương hiệu, bạn thiết kế website giúp họ. Quán cà phê đang có vấn đề về việc đặt món, gọi món vì toàn ghi ra giấy, họ cần bạn làm một ứng dụng dùng cho máy tính bảng, điện thoại để nhân viên tiện gọi bếp làm…
Tất cả những vấn đề này đều là những vấn đề thực tế công việc hiện nay mà những kỹ sư CNTT nói chung, hay lập trình viên nói riêng phải giải quyết mỗi ngày. Vì thế, không chỉ còn là viết code mà bạn cần phải rèn luyện thêm kỹ năng mềm khác để giải quyết rất nhiều câu chuyện mà khách hàng cần.
– Kỹ năng làm việc nhóm: là một trong những kỹ năng quan trọng vì chẳng có ai đơn thương độc mã viết code một mình. Bạn sẽ làm việc nhóm, viết code cùng với đồng nghiệp, cộng sự, vì thế nên hãy học cách giao tiếp tốt để có thể trao đổi thông tin, chia sẻ thông tin, hợp tác tốt trong môi trường công tác, bạn sẽ thành công trong công việc.
Hãy chấp nhận việc làm việc với những người kém hơn và cũng sẽ được học hỏi được từ những người giỏi hơn. Chân thành, hòa nhã là 2 “keywords” chính của kỹ năng này.
– Tiếng Anh: Nếu kém món này thì thật khó cho bạn khi theo học. Không biết tiếng Anh thì nội việc tìm kiếm thông tin cũng chậm hơn người khác các bạn ạ! Tuy nhiên bạn không cần phải tới trình độ tiếng Anh thượng đẳng hoặc điểm thi IELTS cực cao mới học hay làm việc được trong lĩnh vực này. Bạn chỉ cần vốn tiếng Anh đủ để đọc hiểu các tài liệu, gặp lỗi có thể hiểu để sửa, viết tên hàm bằng tiếng Anh được.
– Kỹ năng tự học: Đây là kỹ năng sống còn vì thế giới công nghệ của chúng ta thay đổi mỗi tíc tắc. Có một tin buồn mà giới CNTT hay chia sẻ là những gì bạn mới biết hôm nay sáng mai ngủ dậy đã khác đi rồi. Giống như rõ ràng “chiếc app” bạn viết chạy trên iPhone 12 ngon lành nhưng tới lúc chiếc iPhone 13 xuất hiện thì nó lại bị lỗi, bị lệch, phải code lại thì mới dùng được.
Kiến thức trong ngành này là thứ nhanh cũ nhất nên nếu không biết tự học, tự trau dồi thì chỉ có “vĩnh biệt” ngành mà ra đi. Nghề này có chu kỳ kiến thức tầm 5 năm. Trung bình cứ sau 5 năm kiến thức không cập nhật thì sẽ thành “hàng tối cổ”.
– Sức khỏe: Quan trọng và rất quan trọng. Bạn cứ nghĩ ngồi lập trình, viết code thôi mà có gì đâu mà bệnh tật. Nhưng bạn biết không, sau một thời gian ngồi viết, ít vận động bạn sẽ bị bệnh nghề nghiệp là đau lưng, mỏi cổ, đau nhức vai gáy, mắt kém, ù tai…
Vì thế hãy tìm ngày một môn thể thao phù hợp để rèn luyện sức khỏe. Bia rượu thuốc lá thì đừng dùng nếu muốn từ biệt nghề trước ngưỡng 35 tuổi.
5. Cần bao nhiêu thời gian để trở thành một chuyên gia trong ngành này?
Trong ngành chia ra các mức độ khác nhau như Fresher (những người mới học ra nghề), Junior Developer (có 2 năm kinh nghiệm), Senior Developer (có từ 3 đến 8 năm kinh nghiệm), sau đó có thể lên làm Lead, rồi Quản lý, Quản lý cấp cao…
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, khi bạn có năng lực thật sự cao thì số tháng năm kinh nghiệm cũng không cần nhiều để bạn thay đổi vị trí trong ngành này.
Tôi tin nếu bạn là người năng động, việc trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ là sớm hay muộn nếu bạn làm việc bằng cả đam mê.
6. Lương và thu nhập của kỹ sư công nghệ thông tin hay lập trình viên cao không?
Đối với nghề kỹ sư CNTT hay lập trình viên, mỗi chức danh và vị trí công việc sẽ có mức lương, thu nhập khác nhau. Nếu mới ra trường thì sẽ ở tầm 8-15 triệu đồng/tháng. Khi lên mức chuyên gia thì thu nhập sẽ ở khoảng 3.000 – 5.000 đô la Mỹ/tháng (60 – 100 triệu đồng / tháng).
Thậm chí ở ngành này có những người đang làm việc ở nước ngoài với mức tương đương 200 triệu đồng/tháng hoặc có bạn gái ở Hà Nội đóng thuế thu nhập cá nhân năm 2020 với hơn 20 tỷ đồng.
Cơ hội kiếm tiền ở ngành này là vô chừng từ những dự án, tư vấn và cả chuyển giao công nghệ…
Đôi nét về Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh hiện là Trưởng khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM).
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh giảng dạy nhiều môn (bằng tiếng Anh) trong chương trình đào tạo đại học của Trường Đại học Quốc tế như: Lập trình C/C++, Lập trình web, Đồ họa máy tính, Lập trình Java, Kỹ thuật Cơ sở dữ liệu… hay giảng dạy các môn thuộc chương trình đào tạo sau đại học như: Phương pháp nghiên cứu, Phương pháp lập trình, Quản lý dự án CNTT…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh từng học tập, nghiên cứu tại Đại học Aix- Marseille – một trường đại học công lập tại miền Nam nước Pháp và Viện Công nghệ Châu Á (AIT), Bangkok – Thái Lan…
Ý kiến chuyên gia trong ngành
Anh Đạt Đỗ – Senior Engineer tại Nhật Bản:
“Ngành này có thể cho các bạn cơ hội đi nước ngoài làm việc và định cư. Kiến thức chung trên toàn thế giới nên chỉ cần giỏi tiếng Anh và giỏi nghề thì ngành này bạn làm việc ở đâu cũng được.
Tuy nhiên, trong giới này một fresher có thể tiếp cận kiến thức nhanh và tốt hơn một senior vì sự trẻ trung và nhanh nhạy. Chính vì thế, với ngành này câu “Gừng càng già càng cay” không còn chính xác.
Một số ưu điểm của ngành này là dễ điều khiển, dễ tìm công việc dạng freelancer tự do mà thu nhập thì cao hoặc rất cao nếu chịu “cày”. Mình cũng thấy ngành này nên dành cho nam thì tốt hơn vì khá cực so với nữ vì thể chất nữ sẽ khó theo nghề lâu được”.